Vùng đất huyện Tiên Lãng hình thành do phù sông Thái Bình, sông Văn Úc bồi đắp cách đây đã mấy ngàn năm. Tài liệu khảo cổ học cung cấp: Vào giai đoạn chuyển tiếp từ hậu kỳ thời đại đá mới sang sơ kỳ thời đại kim khí (4000-5000 năm cách ngày nay) người Việt cổ ở vùng gò đồi trung du mở cuộc hành trình lan dần ra phía biển (người ta đã phát hiện được một số chì lưới bằng đất nung, dáo đồng thời văn hoá Đông Sơn ở xã Đoàn Lập, Đại Thắng...). Trong thời gian này, trên vùng đất huyện Tiên Lãng ngày nay, các trang, ấp của người Việt cổ dần dần mọc lên. Do địa hình Tiên Lãng hình thành lồi lõm, xen lẫn các đê cát là những dải đất trũng thấp và lạch triều, ven các con sông, lạch triều là hệ thống ao hồ, đầm nước dày đặc, do vậy xóm làng cũng bám vào địa hình mà mở mang.
Vùng
đất huyện Tiên Lãng hình thành do phù sông Thái Bình, sông Văn Úc bồi
đắp cách đây đã mấy ngàn năm. Tài liệu khảo cổ học cung cấp: Vào giai
đoạn chuyển tiếp từ hậu kỳ thời đại đá mới sang sơ kỳ thời đại kim khí
(4000-5000 năm cách ngày nay) người Việt cổ ở vùng gò đồi trung du mở
cuộc hành trình lan dần ra phía biển (người ta đã phát hiện được một số
chì lưới bằng đất nung, dáo đồng thời văn hoá Đông Sơn ở xã Đoàn Lập,
Đại Thắng...). Trong thời gian này, trên vùng đất huyện Tiên Lãng ngày
nay, các trang, ấp của người Việt cổ dần dần mọc lên. Do địa hình Tiên
Lãng hình thành lồi lõm, xen lẫn các đê cát là những dải đất trũng thấp
và lạch triều, ven các con sông, lạch triều là hệ thống ao hồ, đầm nước
dày đặc, do vậy xóm làng cũng bám vào địa hình mà mở mang.
Lúc đầu khoa học - kỹ thuật chưa phát triển, người Tiên Lãng xưa tìm
cách thích ứng với thiên nhiên bằng cách lập ra hệ thống mương phai, đắp
đê lấn biển, ngăn nước sông cho từng trang ấp, làng xã, từng vùng và
cho cả cộng đồng, để hạn chế dần sự may rủi do thiên nhiên để lại. Trải
xiết bao công trình, giờ đây diện mạo huyện Tiên Lãng đã biến đổi rất
nhiều, thật hiếm nơi còn giữ được vẻ hoang sơ không có dấu vết bàn tay
con người. Từ buổi mới ra đời, do vị trí nằm liền kề với các cửa biển,
cửa sông quan trọng, trong khi đất nước phải liên tục tiến hành các cuộc
kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ cõi bờ, người Đất Tiên sớm ý thức
được truyền thống yêu nước và trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc.
Trên bản đồ Đông Á, vịnh Bắc Bộ nói chung và vùng biển Tiên Lãng - Hải
Phòng nói riêng có vị trí địa - chiến lược, địa - kinh tế hết sức quan
trọng. Đất Tiên không chỉ là vùng cửa mở hướng ra đại dương mà còn là
khu vực diễn ra các hoạt động giao thương, văn hoá hết sức nhộn nhịp với
miền biển miền nam Trung Hoa và vùng Đông Nam Á hải đảo. Tài liệu khảo
cổ học lịch sử chứng minh rằng: khoảng từ thời Hán, cùng với tuyến giao
lưu đông - tây, nối kết biển với lục địa thì mối liên hệ giữa miền đông
nam Trung Hoa với các quốc gia phương Nam, trong đó có đất Giao Châu
(nước ta thời Bắc thuộc) trở thành đối lưu hằng xuyên hơn. Dòng đối lưu
đó đã chảy qua, kết tụ khá đậm nét ở vùng đất ven biển kẹp giữa cửa sông
Văn Úc (sông Uất) và cửa sông Thái Bình - đó là huyện Tiên Minh (tên cũ
của Tiên Lãng).
Lịch sử, văn hoa phong phú, đặc sắc của Đất Tiên được ngưng đọng và
biểu hiện sinh động qua các di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi
vật thể, trong đó các sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng hiện còn được bảo
lưu khá đậm nét. Thần phả Đào Tiên Nương ở trang Hán Nam (nay thuộc xã
Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) chép: bà sớm mồ côi cha mẹ, về ở với dì
ruột ở vùng núi Yên Tử. Một buổi chiều hai dì cháu đang mải miết hành
hương thì bất ngờ gặp Hùng Nghị Vương đang thong dong tuần thú. Thấy Đào
Tiên Nương tài sắc đoan trang, Hùng Nghị Vương bèn nạp vào cung, phong
làm đề tứ hoàng hậu. Lúc này, nữ chúa nước Hồ Tinh cùng bộ tướng Hồ Tiên
Nương có nhiều phép thuật sang đánh nước ta. Hùng Nghị Vương thân chinh
cầm quân cự địch, nhưng bị tướng giặc dùng yêu thuật vây hãm nguy cấp,
Đệ tứ hoàng hậu Đào Tiên Nương đem quân cứu giá, đuổi giặc về nước và
bắt được nữ chúa, nữ tướng địch ở núi Lạc Tinh. Một lần về thăm quê cũ,
dốc lòng dậy dân cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt lụa, giúp làng xây
chùa thờ Phật, khai hoang lấn biển. Nghe tin có quần thần tiên hội họp
ngoài đảo Hải Nam, Đào Tiên Nương dong thuyền ra chơi, quần tiên đón bà
về tiên cảnh. Vua Hùng Nghị Vương vô cùng thương nhớ sai dân Hán Nam lập
miếu. Về nguồn gốc đạo Phật ở Tiên Lãng, bia "Hoàng đồ củng cố Đốt Sơn
tự Di Đà Phật bi" (Kinh Lương - Cấp Tiến), dựng vào năm Hồng Đức thứ 22
(1491) ghi: chùa Đót có từ thời nhà Lương (505-542), trải qua các đời Lý
- Trần, (đến đời vua Lê Thánh Tông) con vị Quản Lão ở bản xã tên là
Lãng, Nhàn, Du cùng vị sư trụ trì cùng đứng ra hưng công sửa sang mở
rộng quy mô chùa to hơn, lộng lẫy hơn. Có nghĩa là trước thời nhà Lý
(1009-1225), vùng đất Tiên Lãng ngày nay đã là một điểm tụ cư khá đông
đúc. Vượt ra khỏi phạm vi châu thổ sông Hồng, ngay từ những năm đầu tiên
của triều đại mới người đứng đầu Vương triều Lý đã có tầm nhìn xa rộng,
thiết lập phạm vi kiểm soát ở nhiều vùng biên viễn.
Bước vào kỷ nguyên độc lập, trước tinh thần dân tộc, ý chí giữ vững chủ
quyền và sức phát triển mạnh mẽ của người Việt, từ phía Bắc quân Tống
đã tràn sang xâm lược và vùng cửa biển Tiên Lãng ngày nay, một lần nữa
lại đứng trước ngu cơ bị thuỷ quân địch sử dụng để làm bàn đạp xâm nhập
vào nội địa nước ta. Bởi thế mà dưới thời Lý hầu như mọi sinh lực của cả
nước đều hướng về miền biên cương và vùng cửa biển phía Bắc. Mặc dù sử
cũ không cho biết cụ thể vào thời nhà Lý thì vùng đất Tiên Lãng ngày nay
được củng cố và phát triển ra sao. Tuy nhiên, thần tích và truyền ngôn ở
nhiều làng xã đã khẳng định khi bước vào cuộc kháng chiến chống Tống
lần thứ 2 (1076), vùng đất Tiên Lãng đã được Hoàng hậu Ỷ Lan chọn làm
nơi xây dựng hậu cứ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài (nếu phòng
tuyến sông Như Nguyệt bị vỡ). Nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động kinh tế
đối ngoại, nhà Lý vừa duy trì quan hệ với phương Bắc vừa chủ động thiết
lập mối quan hệ với các nước phương Nam. Vào thời Lý Thần Tông
(1128-1138), chính quyền nhà Lý đã thiết lập hệ thống canh phòng, bảo vệ
an ninh chặt chẽ ở vùng biển đảo đông bắc (Hải Phòng - Quảng Ninh bây
giờ). Đến đời Lý Anh Tông (1138-1175), quan hệ bang giao, giao lưu kinh
tế với các quốc gia khu vực ngày thêm mở rộng nhưng cũng chứa đựng trong
đó nhiều thách thức về an ninh. Liên tiếp trong chính sử thấy ghi việc
đóng thuyền; đáng chú ý là sự kiện diễn ra vào tháng 8 năm 1174, nhà Lý
cho đóng thuyền Vĩnh Long, Thanh Lan và hai thuyền lớn Trường Quyết,
Phụng Thiên. Tiếp đó, tháng 9 cho "dựng hành dinh ở trại Yên Hưng". Ý
thức sâu sắc về chủ quyền đất nước ở vùng biển đảo đông bắc, chính quyền
Thăng Long đã dành nhiều sự quan tâm cho vùng này. Chính sử từng ghi
năm 1171, vua Lý Anh Tông đã "đi tuần các hải đảo, xem khắp hình sông
thế núi, muốn biết dân tình đau khổ và đi đường xa gần thế nào"; năm
sau, mùa xuân, tháng 2, đích thân nhà vua "lại đi tuần các hải đảo ở địa
giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ, ghi chép phong vật". Hẳn là đức
vua, trong hai chuyến tuần du hải đảo chắc có tới vùng Tiên Lãng ngày
nay. Huyền tích ở làng Ngọc Đới (Tiên Thanh - Tiên Lãng) cho biết vua Lý
Anh Tông cảm mến và lập cô thôn nữ nết na làng Ngọc Đới là Hoàng Thị Ly
làm thứ phi. Thứ phi Hoàng Thị Ly là người đã hiến 50 mẫu ruộng, phát
tâm công đức nhiều tiền của giúp dân xây miếu, lập đền thờ phúc thần, mở
chợ làng. Lê Thái hậu - mẹ vua Lý Anh Tông cúng tiền bạc xây dựng chùa
Phác Xuyên và đặt tên chùa là Thiên Tộ tự (Thiên Tộ là thế danh của vua
Lý Anh Tông), nay thuộc xã Bạch Đằng. Lại nói, Vũ Vệ Vương đại tướng
quân Lê Phụng Hiểu khi đi tuần tra đồn trấn ở Diên Lão, Đông Côn và đồn
Bến Sứa (xã Tiên Minh) có nghé thăm và công đức tiền của vào việc xây
chùa, dựng miếu Ngô Sơn. Dưới triều Lý Cao Tông, với tư cách là Thái phó
phụ chính, giữ cương vị như Tể tướng, Ngô Lý Tín đã dốc tâm sức mở
mang, củng cố tiềm lực hải trang Cẩm Khê (xã Toàn Thắng)...
Ở Tiên Lãng, do đặc điểm lịch sử, khí hậu, địa lý, địa hình, nhiều di
tích kiến trúc nghệ thuật khỏi dựng từ thời Lý - Trần như: chùa Thắng
Phúc (Mỹ Lộc), chùa Phác Xuyên (Bạch Đằng), chùa Diên Lão (Tiên Minh);
đền Tiên Đôi nội; Ngũ linh từ gồm các đền thiêng: đền Vân Đôi (tên nôm
là đền Bì); Tử Đôi (tên nôm là đền Bì) thuộc xã Đoàn Lập; đền Gắm (tên
chữ là Cẩm Khê) thuộc xã Toàn Thắng; đền Để Xuyên thuộc xã Đại Thắng;
đền Hà Đới thuộc xã Tiên Thanh...tồn tại cho đến nay đã trải qua một số
lần rời đổi, trùng tu, sửa chữa, mở mang.
HPH