image banner
Năm 2023 Tăng cường công tác quản lý đất đai - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Quê tôi, Tiên Lãng - Thuốc Lào!
Lượt xem: 588

Quê hương tôi, mảnh đất thuốc lào. Những gia đình làm nông, quanh năm chỉ trông chờ vào vụ ấy, mong ngóng vào nguồn thu ấy. Cái tên Tiên Lãng tự bao giờ đã gắn liền với nó. Thuốc lào trở thành thứ thương hiệu quê hương dù không phải cả huyện trồng.
Gọi điện về nhà, nghe tiếng mẹ thở dài, thấy niềm háo hức bỗng chùng về thăm thẳm. Mẹ bảo ở nhà thuốc lào hỏng hết rồi, bố đi làm cả ngày về chán chẳng buồn nói, nhà cửa im phăng phắc cả nửa tháng nay.

Phên thuốc lào
Quê hương tôi, mảnh đất thuốc lào. Những gia đình làm nông, quanh năm chỉ trông chờ vào vụ ấy, mong ngóng vào nguồn thu ấy. Cái tên Tiên Lãng tự bao giờ đã gắn liền với nó. Thuốc lào trở thành thứ thương hiệu quê hương dù không phải cả huyện trồng, chỉ một bộ phận người dân, một vài khu vực gần như chuyên canh cây thuốc và gia đình tôi nằm trong một vùng như vậy.
Từ ngày lên học cấp ba, rồi sau là lên đại học, những công việc gắn với thuốc lào của bố mẹ cứ thế dày lên để con “được” xa dần những mùa hè xưa ấy.
Nhớ những ngày giáp Tết của tháng năm nào, con bé học cấp hai xách cái siêu nước theo mẹ trồng thuốc, mẹ trồng cây nào thì tưới cho cây ấy. Công việc nhẹ nhàng như niềm vui nhỏ dại, được chạy bên những luống dài, trên thênh thang vườn ruộng. Con bé vừa đủ vô tư để quên, trồng hết hàng nghìn cây ấy, lưng mẹ vô hình còng thêm một chút, mỗi đêm về lại đau thêm một chút.
Nhớ những ngày đầu hè, nắng lên chưa đủ gắt, thuốc lào cao vừa ngập đầu người, hai bố con len lỏi trong vườn bẻ nhánh cho lá thuốc to và dày. Giữa những luống xanh ngắt, gió không len vào được, nắng trưa dội thẳng xuống đầu, mùi đói quyện mùi thuốc, nồng say đến cồn cào.
Nhớ những tháng 4, tháng 5, nắng hè, gió biển, mưa rào quay cuồng cùng thuốc. Ở đâu có thể ao ước một cơn mưa, chỉ người trồng thuốc là mong mỏi những ngày toàn nắng. Thuốc lào bẻ lá về xếp đầy nhà, cả nhà tập trung rọc lấy lá, bỏ cuộng. Nhớ những tối hai chị em rọc thuốc thi, tiếng cười em hỉ hả vì lâu lâu thắng được một lần, để cả bố mẹ cũng vô tình tham gia vào cuộc vui ấy. Vẫn còn vẹn nguyên cảm giác ngày nào, cả nhà như đoàn quân, ai cũng đánh trận bằng tất cả sức lực, niềm vui và cả những cố gắng vượt cơn buồn ngủ.
Nhớ những ngày còn thái thuốc bằng tay, mỗi cuộn thuốc dài gần 2m, bố thái đều đều 1 tiếng mới hết. Những mùa bóng qua cùng mùa thuốc, 11h đi ngủ, 2h bố đã dậy vừa thái thuốc vừa xem, năm thì EURO, năm thì Ngoại hạng. Dạo ấy hay cố tỉnh chốc lát để xem bóng với bố, hai bố con thích Liverpool lắm, cổ vũ mãi mà cuối cùng đội không được vào chung kết. Nhớ những buổi gặp thuốc khó, ngồi thái trong nhà, quạt ngay bên mà mồ hôi bố nhễ nhại, dao thái mài đi mài lại màu dao vẫn không bắt được thuốc. Những lúc ấy ba mẹ con xanh mặt, vừa thương bố, vừa sợ bố, không làm được gì thì tốt nhất tránh ra xa.
Bố thái được đến đâu thì mẹ đánh que rắc ra phên đến đấy cho hai chị em khiêng ra vườn phơi. Ngày ấy, hai chị em chỉ vừa nhau được đầu buổi, càng về cuối càng gắt gỏng không yên. Mà gắt nhưng không được nói to vì sợ mẹ mắng, lườm nhau cũng dấm dúi không bị người kia mách mẹ thì khổ. Có lẽ từ bé đến giờ, hai chị em dám xưng mày tao với nhau chắc cũng chỉ có lúc khiêng phên thế này. Sau lớn hơn, mỗi người tự đội được một phên, lại tranh nhau đội từ đầu buổi đến cuối buổi, mẹ bảo đi nấu cơm còn cứ em giục chị, chị để em, (vì nấu cơm nhàn hơn đội phên thuốc nhiều), thế là lại bị mẹ mắng.
Nhớ những buổi thái gặp mưa, phải đốt mới khô được, (giống người ta sấy khô). Cả làng chặt cây chuối, mang đồ kê gác ra đường dựng dàn, kéo rơm, mượn người đốt hộ. Từ đầu đến cuối đoạn đường, khói lên nghi ngút, người đốt thuốc đứng giăng kín. Trẻ con bé thì thích thú, chạy ra chạy vào; trẻ con biết đội phên thì than khổ; người lớn thì bảo nhục. Đốt hơn trăm phên, khói thuốc sặc sụa, mặt mũi lem nhem, nước mắt chảy tèm nhèm hết cả, lần nào đốt thuốc xong mẹ cũng ốm.
Nhớ những lúc trời đang nắng chang chang bỗng lại kéo mây ầm ầm. Gần hai trăm phên thuốc ngoài vườn phải chạy mưa. Lúc ấy mới thấy hết sức của bốn người trong nhà, không ai nói với ai câu nào nhưng ai cũng xếp phên, khiêng phên nhịp nhàng, nhanh như cắt. Nhớ những hôm làm mệt và đẹp trời, bố quyết để thuốc phơi đêm mà đang ngủ bị mẹ gọi dậy chạy mưa. May mắn vì cuộc đời này có mẹ, đang ngủ say mà chỉ cần mưa hơi lắc rắc, tiếng gió đổi chiều mẹ đã biết nên cả nhà hiếm có lúc nào không kịp chạy.
Nhớ những lúc giữa guồng quay của thuốc phải bỏ ra đi gặt, gặt vội gặt vàng còn về làm thuốc. Mưa phải chạy cả thóc cả thuốc, nắng lại phơi hết thuốc đến thóc. Đứa trẻ con khi ấy chỉ hỏi được một điều, sao người ta không thể chỉ chọn một thôi? Nhưng đến hôm nay, tự hiểu rất rõ, nếu bao năm qua bố mẹ chỉ chọn một thì không có con của hôm nay được ngồi thoải mãi gõ những dòng văn vẻ thế này.
Hết thu lá thuốc thì đến thu cây thuốc. Lúc trồng ai cũng muốn chăm cho tốt, để lúc thu cây, cây vừa to, vừa nặng, vừa nhiều. Bố đi cuốc hết gốc lên phơi, sau cả nhà đi giũ đất, bó thành bó rồi vác, gánh về làm củi đun bếp. Nắng cuối tháng 6 bỏng đất bỏng cát, cả nhà thu hết 5 - 7 sào cây thuốc, thấy bước chân không còn là của mình nữa.
Sau mùa thuốc lại đến mùa làm máy cày của bố để chuẩn bị vào vụ cấy. Làm nghề nông, tháng năm không là ngày giờ, tháng năm là những vòng quay mùa vụ. Bây giờ, máy móc cũng hỗ trợ nhiều hơn trước, thuốc đã có máy thái, nhanh hơn, tiện hơn. Vẫn có những thức khuya dậy sớm, nhưng bố không cần dậy vào giờ bóng đá ngày xưa nữa. Vẫn có những gánh cây thuốc ríu vai nhưng quãng đường đã ngắn hơn vì xe kéo được đến tận đầu vườn.
Thời gian đi qua, chỉ có cảm giác ngày xưa ấy, những nắng mưa, những mồ hôi và cả những nụ cười trong vất vả khi đó là mãi mãi không đổi khác.
TỰ HÀO TUỔI THƠ ĐI CÙNG MÙI KHÓI THUỐC!
(Trích từ cảm xúc của 1 người con quê hương)
Tác giả bài viết: Đặng Đình Thuyên

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới