image banner
Năm 2023 Tăng cường công tác quản lý đất đai - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Lễ hội rước Ngũ Linh Từ
Lượt xem: 736

"LỄ HỘI RƯỚC NGŨ LINH TỪ - MỘT DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY". Bài luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Bộ - PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN TIÊN LÃNG.
LỄ HỘI RƯỚC NGŨ LINH TỪ
MỘT DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY

Lễ hội rước Ngũ Linh Từ
I. Phần mở đầu
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, tục cầu nước đã trở thành một phong tục trong các lễ hội và tín ngưỡng thờ thần của cư dân đồng bằng sông Hồng, tại sao vậy: Là một nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước, cư dân nông nghiệp luôn mong muốn mưa thuận gió hòa, cầu mong những mùa vụ bội thu, yếu tố nước luôn là yếu tố hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, như vậy từ thực tế sản xuất nông nghiệp, nước đã trở thành yếu tố thiêng trong tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng thờ thần của nền văn minh nông nghiệp.
Tiên Lãng là huyện ven biển thuộc thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên 18.904 km2, phía Bắc giáp 2 huyện An Lão và Kiến Thụy, phía Nam giáp huyện Vĩnh Bảo, phía Tây giáp huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), phía Đông giáp biển, tên gọi sớm nhất của huyện Tiên Lãng là huyện Tâm Linh thuộc phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Thời Vua Hùng dựng nước, Tiên Lãng thuộc bộ Dương Tuyền, thời Bắc thuộc là đất huyện Câu Lậu, đời Lý, Trần thuộc Hồng Lộ, thời nhà Minh xâm lược nước ta Tiên Lãng cùng với Thanh Hà có tên là huyện Bình Hà. Năm Quang Thuận thứ X (1469) Vua Lê Thánh Tông đặt các đơn vị hành chính, huyện Bình Hà tách thành 2 huyện Tân Minh và Thanh Hà. Đời Vua Lê Thánh Tông (1600-1619) do kiêng tên húy nên đổi thành huyện Tiên Minh. Đời vua Thành Thái nhà Nguyễn (1889) đổi là Tiên Lãng. Cư dân Tiên Lãng từ nhiều nơi đến vùng đất ven sông, biển khai phá dựng ấp lập làng. Là vùng đất luôn phải gồng mình chống chọi với thiên nhiên, giặc giã, cư dân lại từ các vùng miền sông Hồng với nền văn minh nông nghiệp do vậy các tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc vùng đó là tục cầu nước gắn liền với nền văn minh lúa nước và tạo nên những lễ hội mà Nước luôn là yếu tố chủ thể.
Chung trong dòng chảy ấy, tục cầu nước và lễ hội rước Ngũ Linh từ của huyện Tiên Lãng xưa đã trở thành một lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng của vùng đất trước sóng này.
Là vùng đất mới do phù sa và lấn biển hình thành, Tiên Lãng ít lễ hội lớn với quy mô rộng, phần lớn các lễ hội chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp thôn, xã, duy chỉ có lễ rước Ngũ Linh Từ gắn với hội bơi thuền tại xã Đoàn Lập là lễ hội duy nhất được tổ chức với quy mô lớn gồm nhiều làng xã tham gia.
II. Lễ hội rước Ngũ Linh Từ và bơi thuyền cầu đảo
Theo truyền môn huyện Tiên Lãng có 5 ngôi đền thiêng (Ngũ Linh Từ) đó là:
- Đền Để Xuyên thuộc thôn Đề Xuyên xã Đại Thắng thờ 5 vị Thành Hoàng: Duy Linh, Nam Hải, Xa Lâu, Đống Thung, Á Thành Hoàng Thụy.
- Đền Hà Đới thuộc thôn Hà Đới xã Tiên Thanh thờ tướng quân Trần Quốc Thành và Băng Ngọc công chúa.
- Đền Canh Sơn thuộc thôn Vân Đôi xã Đoàn Lập thờ 2 vị Thành Hoàng Kinh Sơn và Trí Minh có quân đáng quân Thục
- Đền Long Bì thôn Tử Đôi xã Đoàn Lập thờ Bạt Hải có công giúp Vua Lê Đại Hành đánh Tống, Vệ Đàn đỗ tiến sỹ đời vua Lê Tương Dực làm quan đến chức Thượng thư bộ hình.
- Đến Gắm thờ Thượng tướng quân Thái phó Ngô Lý Tín.
Gặp năm trời làm hạn hán, không mưa nhân dân tổ chức lễ hội rước Ngũ Linh Từ và tổ chức hội bơi thuyền cầu đảo. Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng tháng 7, trong thơ ca dân gian còn lưu truyền câu ca dao:
Lụt lạt thì tháo cống Đôi
Trời làm hạn hán thì bơi đầm Bì
Theo kể lại của các bậc cao niên, năm nào trời làm hạn hán, nhiều tháng không mưa chi huyện sức cho chánh tổng, lý trưởng các tổng có các làng Để Xuyên, Hà Đới, Vân Đôi, Tử Đôi, Cẩm Khê rước các thánh về đình Cựu Đôi để tế đảo vũ cầu mưa. Đội hình rước thánh về đình để tế đảo vũ đi trước là đội cờ gồm 8 lá cờ vuông và cờ đuôi nheo đầu là cờ thanh long (tiền thanh long) cuối cùng là cờ bạch hổ (hậu bạch hổ), các màu cờ khác thuộc ngũ hành đi ở giữa có nô dịch đi cùng (trong đội hình rước không có nữ) tiếp đến là phường bát âm, sau đó là kiệu và cuối cùng là các bô lão và chức dịch tại các tổng.
Tốc độ rước kiệu của các đoàn quy định như sau: Đền Kinh Sơn và đền Bì thì đi chậm (theo các cụ kể lại là đi chậm đến độ nóng cả ruột), đội rước đền Hà Đới dù đi nhanh hay chậm dứt khoát phải đợi đội rước của đền Để Xuyên đi qua mới được đi, riêng đền Gắm thì đi rất nhanh, đoàn người rước thánh đền Gắm phải đóng khố, cởi trần chạy dọc theo đê Văn Úc qua cửa đền Kinh Sơn để về đình Cựu Đôi. Khi các đoàn rước về đến Cựu Đôi nhưng chưa thấy đoàn rước của Đền Kinh Sơn và đền Bì thì đoàn rước của Đền Gắm, Hà Đới, Để Xuyên không được vào trong đình mà phải đứng ngoài trời cho đến khi 2 đoàn của Tổng Tử Đôi đến mới được vào tế.
Việc tế lễ tại đình Cựu Đôi do tri huyện đứng ra làm chủ tế, được tổ chức 3 ngày, nếu trời mưa thì việc tế lễ đã hoàn tất, nếu trời không mưa thì tri huyện sức cho tổng Tử Đôi tổ chức bơi thuyền cầu đảo.
Nhận sức của tri huyện, chánh tổng, lý trưởng và kỳ hào ở các thôn trong tổng Tử Đôi bèn họp bàn tổ chức việc tế, việc tổ chức tế lễ được giao cho 2 thôn Vân Đôi và Tử Đôi tổ chức, kinh phí được lấy từ quỹ công của Tổng. Việc tế lễ do chánh tổng và lý trưởng điều hành. Tế liên tục 3 ngày, buổi sáng tại đến Kinh Sơn, buổi chiều tại đền Bì, các gia đình trong các làng sắm lễ dâng cúng tại đền Kinh Sơn, nếu 3 ngày đầu không mưa, tế tiếp 3 ngày nữa, trời vẫn không mưa thì tổ chức bơi thuyền cầu đảo.
Địa điểm bơi là đầm Bì con đầm có khởi nguồn từ xã Tiên Thanh chạy qua các tổng Phú Kê, tổng Kinh Lương, tổng Tử Đôi và đổ ra cống Cơm thuộc sông Thái Bình. Đầm Bì còn có tên gội là đầm Cửa trước cửa đền Kinh Sơn và Đền Bì, mặt đầm khá rộng, có độ sâu từ 2 - 3m đây là con đầm tiêu nước cho cả một vùng rộng của nhiều xã. Điểm bơi xuất phát từ đền Bì bơi đến cầu Nhân Vực. Thường có 9 đội bơi thuộc các làng Nhân Vực, Hộ Tứ Nội, Hộ Tứ Ngoại, Đông Xuyên Nội, Tiên Đôi Nội, Tiên Đôi Ngoại, Tỉnh Lạc, Xuân Lai và Xuân Quang tham dự. Đội các làng Vân Đôi, Tử Đôi không tham gia vì trực tiếp tổ chức hội bơi thuyền, làng Đông Xuyên Ngoại là làng giáo toàn tòng do vậy cũng không được tham gia.
Trên mặt đầm Bì cắm 9 giáo xuất phát, các đội bơi tập trung tại giáo xuất phát. Khi có trống lệnh của ban tổ chức thì đẩy cho thuyền đi (không có các đội bơi thuyền nữ tham gia, gần đây khi tổ chức khôi phục lại lễ hội bơi thuyền BTC có cho các đội nữ tham gia), 9 đội bơi cùng một lúc tạo nên không khí náo nức, sôi động, các đội bơi một vòng khép kín quay về lấy thẻ ở giáo xuất phát và hoàn thành vòng đua, giải được tính theo ngày, nếu bơi 3 ngày thì thành tích sẽ là kết quả trung bình cộng, nếu ngày thứ nhất, hoặc ngày thứ hai có mưa thì cuộc bơi thuyền cầu đảo cũng kết thúc.
Những nét đặc trưng tiêu biểu của lễ hội rước Ngũ Linh Từ và bơi thuyền cầu đảo đền Bì:
- Là lễ hội cầu nước của cư dân nông nghệp thường được tổ chức vào các năm mà thời tiết ảnh hưởng đến nông nghiệp gắn liền giữa lễ (Rước) và hội (Bơi thuyền).
- Là lễ hội có quy mô cấp vùng từ 4 - 5 xã tham gia và tổ chức không thường xuyên.
- Yếu tố tín ngưỡng cầu nước là đặc trưng chủ đạo của lễ hội phản ánh mong muốn của những người nông dân mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
- Có đặc trưng chung của các lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ.
III. Kế thừa, bảo tồn và phát huy lễ rước Ngũ Linh Từ và bơi thuyền cầu đảo tại đền Bì.
Là lễ hội mang nét đặc trưng riêng của vùng đất ven biển, nhiều năm qua, lễ hội rước ngũ linh từ chưa được khôi phục và tổ chức tại huyện, một mặt là do 5 ngôi đền trải qua các cuộc chiến tranh giữ nước, cùng với sự khắc nghiệt của thời gian đã bị hủy hoại nặng nề. Đền Để Xuyên chỉ còn là phế tích hiện đang phục hồi, đền Hà Đới chỉ còn hậu cung hiện đang đề nghị lập dự án tu bổ, đền Kinh Sơn, đền Bì xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ khẩn cấp, đền Gắm đang được tu bổ theo chương trình mục tiêu của thành phố, đình Cựu Đôi đang tu bổ bằng nguồn xã hội hóa. Trong 5 di tích đã có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia: Đền Hà Đới xã Tiên Thanh, đền Gắm xã Toàn Thắng, 2 di tích xếp hạng cấp thành phố là Đền Kinh Sơn và đền Bì. Địa điểm tổ chức tế lễ tại đền Kinh Sơn và Đền Bì và hội bơi thuyền không đáp ứng nhu cầu tổ chức lễ hội quy mô lớn: Mặt bằng đầm bị lấn chiếm, nhiều vật cản, diện tích đền Kinh Sơn và đền Bì bị thu hẹp. Từ sau hòa bình đến nay chưa tổ chức lễ rước ngũ linh từ, riêng hội bơi thuyền được khôi phục vào năm 1998, hội được tổ chức hoàn toàn mới không có lễ lạt, hầu hết là của đội bơi trong toàn xã tham gia, năm 2006 Huyện phối hợp với xã đứng ra tổ chức có mời một số đội bơi của các xã Bạch Đằng, Đông Hưng, Tây Hưng, Hùng Thắng tham gia. Giải được mở rộng với sự tham gia của các đội bơi thuyền nữ. Là lễ hội duy nhất có quy mô lớn trong huyện vì vậy lễ hội rước Ngũ Linh Từ cần được phục dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tạo nên một lễ hội dân gian có quy mô cấp huyện.

1. Bảo tồn và kế thừa lễ rước Ngũ Linh Từ và bơi thuyền cầu đảo
Các đặc trưng của phần lễ gồm:
- Lễ rước của các đền về đình Cựu Đôi với các trình tự của một lễ rước cũ: thứ tự đoàn rước, trang phục, đồ bát bửu, lỗ bộ, cờ, biển, kiệu, âm nhạc…
- Các nghi thức tế lễ tại đình Cựu Đôi, đền Kinh Sơn, đền Bì
Các đặc trưng của phần hội:
- Tổ chức hội bơi thuyền với các nghi thức cổ truyền.
2. Bổ sung một số nội dung mới trong lễ và hội
- Đưa nội dung cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong quốc thái dân an vào nội dung tế lễ.
- Mở rộng nội dung hội: Ngoài hội chính là bơi thuyền cầu đảo cần đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian vào trong hoạt động hội nhằm mở rộng không gian lễ hội.
- Mở rộng giải bơi thuyền: Với sự tham gia của các xã, trong huyện gồm các nội dung: Giải bơi thuyền của các làng trong xã Đoàn Lập (giải bơi thuyền nam, giải bơi thuyền nữ), giải bơi thuyền toàn huyện.
3. Quy mô tổ chức:
- Do huyện đứng ra tổ chức với thời gian 5 năm 1 lần
- Thời gian tổ chức: Đầu xuân hoặc tháng bảy
- Địa điểm tổ chức: Tế lễ tại đình Cựu Đôi, đền Kinh Sơn và đền Bì. Hội tổ chức tại khu vực đền Kinh Sơn và đền Bì
IV. Một số đề xuất, kiến nghị
Để bảo tồn và phục dựng lễ hội rước ngũ linh từ và bơi thuyền cầu đảo đề nghị UBND huyện, xã Đoàn Lập, các cơ quan chức năng của thành phố giải quyết một số công việc sau:
- Hoàn thành việc xếp hạng các đền thuộc Ngữ linh từ: hiện còn đền Để Xuyên chưa xếp hạng.
- Hoàn thành việc nâng cấp các đền: Kinh Sơn, Long Bì, Hà Đới và đền Gắm.
- Xây dựng quy hoạch đất đai và hoàn thiện mặt bằng khu vực tổ chức lễ hội tại đền Bì và đền kinh Sơn
- Giải tỏa các hộ dân lấn chiếm, vi phạm hành lang đầm Bì, giải tỏa các vật cản làm ảnh hướng tới dòng chảy của đầm Bì
- Tăng cường công tác quản lý các di sản xếp hạng tại xã Đoàn Lập, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật di sản văn hóa: Xây dựng cơi nới trong khu vực I, II, đặt thêm đồ thờ tự làm biến dạng không gian thiêng của các di tích.
- Xây dựng kịch bản tổng thể lễ hội
Lễ hội rước ngũ linh từ và tục bơi thuyền cầu đảo là một lễ hội đặc trưng có quy mô cấp vùng của huyện Tiên Lãng. Tổ chức bảo tồn, phục dụng lễ hội này góp phần bảo tồn 1 giá trị văn hóa phi vật thể của riêng huyện. Chúng tôi rất mong sự quan tâm tạo điều kiện để năm 2013 huyện Tiên Lãng sẽ hoàn thành việc phục dựng lễ hội, đưa lễ hội trở thành một lễ hội đặc trưng của huyện và nằm trong hệ thống các lễ hội lớn của thành phố Hải Phòng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Bộ

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới